Nội soi đại tràng có đau không?

hoi-dap-viem-dai-trang-man-tinh

Hỏi:

Năm nay tôi 36 tuổi, khoảng vài tháng trở lại đây tình trạng tiêu hóa của tôi rất bất thường. Tôi thường bị đau quặn bụng và đi lỏng, một ngày đi tới 3-4 lần, nhưng có khi lại táo bón. Bụng lúc nào cũng óc ách, đầy chướng. Tôi có tìm hiểu thì những triệu chứng như vậy rất giống với bệnh viêm đại tràng hoặc hội chứng ruột kích thích. Nhưng để phân biệt hai bệnh này thì chỉ có nội soi đại tràng mới chĩnh xác. Vậy cho tôi hỏi nội soi đại tràng có đau không? Và trước khi nội soi cần phải chuẩn bị những gì? Có để lại di chứng gì không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn!

Đúng như bạn nói, viêm đại tràng và hội chứng ruột kích thích (hay viêm đại tràng co thắt) là hai bệnh có các triệu chứng rất giống nhau. Tuy nhiên, về bản chất hoàn toàn khác nhau. Viêm đại tràng gây ra những tổn thương viêm, tạo ổ loét trên bề mặt niêm mạc đại tràng thì niêm mạc đại tràng ở những ngươi bị hội chứng ruột kích thích lại vẫn hoàn toàn bình thường. Do đó rất nhiều người bệnh thường nhầm lẫn giữa bệnh này và bệnh kia, từ đó chọn sai phương pháp điều trị khiến bệnh trở nên nặng hơn và dai dẳng, khó chữa. Để chẩn đoán phân biệt hai bệnh này cần làm các xét nghiệm để loại trừ, trong đó chính xác và cần thiết nhất là nội soi đại tràng. Vậy nội soi đại tràng là gì? Nội soi đại tràng có đau không và trước khi nội soi cần phải làm gì? Đó là những câu hỏi mà rất nhiều bệnh nhân cũng như bạn gửi về cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ lần lượt giải đáp những thắc mắc của các bạn như sau:

Nội soi đại tràng là gì?

Nội soi đại tràng là một thủ thuật cho phép bác sĩ đánh giá tình trạng bên trong của đại tràng (hoặc ruột già) nhờ sử dụng một ống dài linh động (đường kính khoảng 1cm), có gắn camera và đèn sáng ở đầu. Ống này sẽ được đưa từ từ qua hậu môn và đi qua các phần của đại tràng đến tận manh tràng, nơi tiếp giáp với ruột non. Tất cả những hình ảnh bên trong đại tràng sẽ được phản ánh lên màn hình màu có độ nét cao. Qua đó bác sĩ có thể phát hiện được những tổn thương bất thường và lấy mẫu mô để xét nghiệm khi cần thiết. Cuối cùng bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất.

Trước khi nội soi đại tràng cần phải chuẩn bị những gì?

Để nội soi đại tràng thành công, trước tiên bệnh nhân cần phải thảo luận với bác sĩ về những thuốc mà bản thân đang dùng thuốc để được hướng dẫn xem có nên dừng lại một thời gian trước khi nội soi hay không. Hầu hết các thuốc có thể tiếp tục sử dụng bình thường, nhưng một số lại có thể gây trở ngại cho quá trình kiểm tra, ví dụ aspirin, warfarin, thuốc viêm khớp, insulin, các chế phẩm từ sắt… nên cần phải dừng lại. Cũng cần thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng thuốc và các bệnh đang mắc kèm (nếu có).

Tiếp theo ruột của bạn cần phải được làm sạch phân hoàn toàn. Điều này cần phải tuân thủ tuyệt đối vì nếu thấy trong ruột vẫn chưa sạch, bạn sẽ phải nội soi vào hôm khác. Trước ngày nội soi, bạn chỉ nên ăn các đồ lỏng và dễ tiêu như cháo và không nên ăn gì trước khi nội soi 6h. Sau đó bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc tẩy ruột hoặc thụt rửa hậu môn để loại bỏ tất cả những phần còn lại trong ống tiêu hóa.

Nếu bệnh nhân được sử dụng thuốc ngủ trong khi nội soi thì cần phải nhịn ăn 12h trước khi nội soi và cần có người nhà đi kèm để đưa về.

Nội soi đại tràng có đau không?

Đây là câu hỏi mà có khá nhiều bệnh nhân gửi về cho chúng tôi. Hầu hết trước khi nội soi mọi người đều hoang mang, không biết có đau không. Trong đa số các trường hợp sẽ không thấy đau, bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy khó chịu, căng tức bụng do được bơm hơi để dễ quan sát (bởi đại tràng vốn xẹp và khá gấp khúc). Cảm giác này sẽ mất đi sau khi được hút hơi.  Một số người có thể bị đau do mạc treo đại tràng bị căng. Nếu đau quá, bác sĩ có thể hút bớt hơi hoặc đổi tư thế nằm cho người bệnh.

Nội soi đại tràng là một thủ thuật khá an toàn và không để lại di chứng gì. Bạn cần lưu ý là không nên uống rượu, lái xe hoặc vận hành máy móc trong vòng 24h sau khi nội soi. Trừ khi có chỉ dẫn khác, nếu không bạn có thể ăn uống trở lại như bình thường.

Trên đây là giải đáp của những câu hỏi mà bạn thắc mắc. Theo tôi bạn nên đi khám kịp thời để có được phác đồ kịp thời và chính xác. Tránh tự chẩn tự chữa rồi dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm.

Chúc bạn sức khỏe!