Nam giới dễ bị ung thư đại tràng?

Theo thống kê mới đây, ung thư đại tràng là bệnh thường gặp thứ hai ở nam giới, sau ung thư phổi.

Hàng năm, trên thế giới có khoảng gần một triệu người được phát hiện bị ung thư đại tràng, trong đó nam giới chiếm tỷ lệ đa số. Bệnh này xếp thứ hai trong top 5 loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới: ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư gan, ung thư tiền liệt tuyến.

hoi-dap-viem-dai-trang-man-tinh5

Nguyên nhân gây bệnh

Bên cạnh nguyên nhân khách quan như: cơ địa, di truyền, các bệnh lý ở đại tràng thì ung thư đại trực tràng còn bắt nguồn từ lối sống, sinh hoạt, ăn uống: thói quen hút thuốc, uống rượu nhưng lại “ngại” khám sức khỏe định kỳ.

Hiện nay, hơn 90% người bị u hoặc ung thư đại tràng được chẩn đoán sau tuổi 50, song độ tuổi bệnh nhân đang dần trẻ hóa. Trong quá trình khám chữa bệnh, các bác sĩ gặp nhiều trường hợp nam giới mắc bệnh lý polyp đại tràng hoặc trực tràng nhưng do phát hiện muộn đã chuyển sang ung thư, thậm chí tế bào ung thư đã di căn.

Thông thường, các polyp ở giai đoạn đầu thường là lành tính nhưng do tâm lý của bệnh nhân ngại đi khám, đến khi có triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, khó điều trị.

Với nền y học hiện đại ngày nay, bệnh ung thư nói chung, ung thư đại tràng nói riêng, nếu được phát hiện và điều trị sớm ở giai đoạn đầu sẽ mang lại tỷ lệ thành công trên 90%. Tuy nhiên, ở nước ta, người dân vẫn còn ít chủ động kiểm tra sức khỏe nên tỷ lệ mắc bệnh cao, khả năng chữa khỏi là rất ít, ít hơn nhiều so với người dân các nước tiên tiến.

Triệu chứng của bệnh:

Triệu chứng của ung thư đại tràng thường có các triệu chứng ban đầu giống một số bệnh đường ruột khác như trĩ, kiết. Do đó, khi thấy hay bị táo bón, tiêu chảy, đi ngoài phân có kèm theo chất nhầy, đau quặn bụng và đại tiện có mót rặn thường xuyên mà không giải thích được nguyên nhân, mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, giảm cân nhanh,… thì mọi người không nên chủ quan, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và hỗ trợ điều trị sớm.

Giải pháp

Bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần để phát hiện bệnh sớm nếu có. Đặc biệt người ở độ tuổi trung niên, trên 50 tuổi, khi có một trong những biểu hiệu bài tiết không bình thường cần tầm soát ung thư qua xét nghiệm tìm máu trong phân, nội soi… Tình trạng chảy máu khi đại tiện ít hoặc nhiều có thể do viêm, trĩ hoặc ung thư.

Đối với bệnh nhân mắc ung thư đại tràng, phẫu thuật hiện được coi là phương án điều trị đầu tiên để loại bỏ khối u. Khi tế bào ung thư di căn thì phải hóa trị với thuốc phù hợp với từng loại tế bào. Để phòng tránh bệnh, bác sĩ khuyên mọi người nên có thói quen ăn uống lành mạnh:

– Giảm lượng đạm từ động vật và tăng đạm thực vật. Giảm ăn thịt, thịt đỏ thay bằng các loại cá, hải sản vì chất béo trong cá tốt hơn trong thịt.

– Không nên ăn mặn vì đây là căn nguyên của chứng tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch. Hạn chế các thức ăn muối mặn như cá khô, rau củ muối chua, các loại mắm.

– Ăn ít nhai nhiều: Không nên ăn quá no, khi ăn cần nhai thật kỹ. Khi nhai nhiều giúp thức ăn được nghiền nát, trộn đều với men tiêu hóa trong nước bọt, khi xuống dạ dày, ruột non sẽ được tiêu hóa tốt và hấp thu nhiều chất bổ dưỡng.

– Tăng cường ăn các món được chế biến bằng cách luộc, hấp, hạn chế chiên, nướng và dùng dầu mỡ hoặc nướng cháy.

– Nên dùng sữa và các chế phẩm từ sữa hàng ngày.

– Tăng cường rau xanh, trái cây để bổ sung chất xơ, chất chống oxy hóa, kháng ung thư. Rau trái màu sậm có trữ lượng chất chống oxy hóa cao đồng thời chất xơ giúp làm sạch đường tiêu hóa.

– Thường xuyên ăn các gia vị tốt như tỏi, gừng, chanh.

– Ưu tiên chất béo lành mạnh như dầu oliu, đậu nành, hướng dương… thay chất béo từ mỡ động vật.